The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationChuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam đã thực hiện chương trình CĐS quốc gia trong 1 năm qua với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Nhân dịp Chương trình được phê duyệt thực hiện 1 năm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã dành cho Tạp chí TT&TT cuộc trao đổi với về CĐS trong đời sống. Thứ trưởng đã nhấn mạnh CĐS là cơ hội cho mỗi người dân và đất nước phát triển đột phá.
PV: Thưa Thứ trưởng, CĐS giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việt Nam đang thực hiện Chương trình CĐS quốc gia lấy người dân làm trung tâm, Thứ trưởng có thể chia sẻ một cách đơn giản nhất về CĐS để người dân có thể hiểu, quan tâm và tham gia thúc đẩy quá trình CĐS?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: CĐS hiểu đơn giản là dùng công nghệ số để thay đổi cách sống, cách làm việc, cách sản xuất của từng cá nhân, từng tổ chức cho tới toàn xã hội. Cái khác của CĐS so với sự đổi mới, cải tiến thông thường là CĐS là thay đổi một cách tổng thể và toàn diện, thay đổi một cách căn bản triệt để từ trong suy nghĩ cho tới cách làm.
Ví dụ trước đây người dân phải ra hàng quán để có đồ ăn, thì nay đồ ăn có thể được chuyển tới tận nhà cho người có nhu cầu. Trước đây nhân viên của các công ty phải đến văn phòng để làm việc, thì nay nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa mà vẫn hoạt động bình thường. Trước đây người dân phải ra trụ sở hành chính Nhà nước để đăng ký sử dụng dịch vụ công, thì nay nhiều dịch vụ công có thể ngồi nhà cũng có thể tra cứu và sử dụng được. Đó đều là những sự thay đổi có tính bản chất, là những ví dụ cụ thể CĐS đang diễn ra xung quanh chúng ta hàng ngày.
Nhìn rộng hơn, CĐS chính là cơ hội cho mỗi người Việt Nam và đất nước Việt Nam có được những sự phát triển đột phá. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hoá hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
PV: Những lợi ích, cơ hội CĐS là rất lớn, nhưng thực tế người dân còn băn khoăn chưa biết tham gia như thế nào, bắt đầu từ đâu? Theo suy nghĩ của Thứ trưởng thì làm thế nào để người dân có thể tham gia vào CĐS cho mình, cho những người xung quanh và toàn xã hội?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ CĐS, chính vì vậy sự chủ động tham gia vào quá trình CĐS của mỗi người dân là rất quan trọng và cần thiết.
Hãy thử hình dung, mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang, là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới. Ngư dân trong quá khứ vẫn thường mang số cá họ đánh bắt được hàng ngày ra chợ và ngồi nhìn chúng hư thối đi vào cuối ngày khi không có người mua, giờ đây, họ có thể giữ cá ở dưới sông và đợi cho khách hàng gọi điện thoại. Một khi nhận được đơn hàng qua mạng, cá được lấy ra khỏi nước và chuẩn bị bán cho khách hàng. Hệ thống bưu chính, chuyển phát sẽ giao hàng tới tận tay người mua.
Một học sinh cấp 3 ở Hà Giang có thể được học ôn thi đại học trực tuyến với những thầy giáo giỏi nhất ở Hà Nội giống như học sinh cấp 3 ở Hà Nội qua các nền tảng học trực tuyến. Một người lao động Việt Nam ở nước ngoài có thể nhận được những ý kiến tư vấn, chăm sóc y tế từ xa bởi những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện Việt Nam, với giá thành dịch vụ rẻ hơn gấp nhiều lần so với sử dụng dịch vụ tư vấn y tế tại nước sở tại.
Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.
Nhờ có CĐS có thể xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Học sinh học trực tuyến
PV: Thưa Thứ trưởng, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, khi người dân thấy dễ, thiết thực, hiệu quả là tự tìm hiểu dùng ngay các ứng dụng trên điện thoại hoặc trên máy tính. Ví dụ, như hiện nay, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ông bà, bố mẹ học sinh đã không chỉ còn biết dùng điện thoại để nghe gọi mà còn biết nhắn tin để xem điểm thi, kết quả học tập của con cháu. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều ứng dụng của Việt Nam (từ ứng dụng phổ thông như đăng ký/đặt lịch khám bệnh, tìm xe buýt,… cho tới dịch vụ công trực tuyến) còn chưa triển khai rộng khắp, khó sử dụng, chưa thân thiện người dùng, hoặc còn bị quá tải, nghẽn mạng, Thứ trưởng có thể trao đổi về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Sự thay đổi thói quen, nếp nghĩ, nếp làm nào cũng phải vượt qua rất nhiều rào cản, CĐS cũng vậy. Đặc điểm của CĐS là dựa trên công nghệ số, công nghệ số có ưu điểm là tiết kiệm sức người, sức của, đổi mới quy trình làm việc. Tuy nhiên, công nghệ số chỉ phát huy hiệu quả khi đã đạt được một mức độ hoàn thiện nhất định, và người dùng chính là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện đó.
Nhìn vào các sản phẩm công nghệ lớn trên thế giới, chúng ta dễ thấy là những phiên bản đầu tiên cũng rất sơ khai, tuy nhiên, khi càng có nhiều người sử dụng, càng nhiều ý kiến góp ý, phản hồi, thì sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, ổn định hơn, dễ sử dụng hơn. Đây cũng chính là một đặc điểm của CĐS, khi mà người sử dụng không chỉ là người thụ hưởng, mà cũng chính là đồng sáng tạo, góp phần tạo nên sự thành công cho các mô hình CĐS.
Chính vì đặc điểm cải tiến và hoàn thiện liên tục dựa trên góp ý của người dùng, nên việc một số mô hình CĐS khi vừa triển khai vẫn còn nhiều hạn chế là một điều có thể hiểu được và cần kiên nhẫn. Điều quan trọng là cần ý thức CĐS là đúng, cần thiết, không thể khác, và không ngừng cải tiến công nghệ, mô hình cho tới khi mô hình CĐS bắt đầu phát huy hiệu quả vượt trội và thay thế hoàn toàn cách làm cũ, thói quen cũ. Sự quyết tâm này là yếu tố quyết định cho thành công của CĐS.
PV: Thưa Thứ trưởng, theo đánh giá của ông những vấn đề gì là rào cản đối với CĐS trong đời sống? Bộ TT&TT cũng như các cơ quan liên quan đã có những kế hoạch, giải pháp gì để tháo gỡ, đưa quá trình CĐS thực sự đi vào cuộc sống và tạo nên xã hội số?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng:
- Rào cản lớn nhất đối với sự chuyển đổi nói chung và CĐS nói riêng chính là tư duy và thói quen cũ. Cách làm cũ ngay cả khi không còn hiệu quả, cũng vẫn rất khó từ bỏ, bởi vì thay đổi sang tư duy mới và cách làm mới cần phải có một quyết tâm rất lớn. Vì vậy, CĐS muốn thành công thì phải xuất phát từ quyết tâm và sự vào cuộc từ những người đứng đầu tổ chức. Người đứng đầu phải coi đó là việc bắt buộc phải làm và phải làm bằng được thì mới CĐS thành công.
- Rào cản lớn thứ hai là về hành lang pháp lý. Vì CĐS là làm những thứ mới, do đó có nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo mà các quy định hiện tại chưa được cập nhật, vô hình chung sẽ trở thành rào cản cho sự sáng tạo, khiến các doanh nghiệp (DN) chưa dám triển khai, hoặc triển khai chậm trễ các mô hình mới.
- Rào cản lớn thứ ba là về chuyên gia và nhân sự tham gia CĐS. Các mô hình CĐS là sự kết hợp của cả công nghệ số, mô hình kinh doanh mới và các quy trình hiện đại nhưng phải phù hợp với văn hoá và điều kiện thực tế của tổ chức. Do đó một mô hình CĐS thành công không chỉ cần các giải pháp công nghệ từ bên ngoài, mà phải do chính nội bộ đơn vị tham gia vào quá trình phát triển, ứng dụng, và phổ biến trong toàn bộ tổ chức.
Để khắc phục những rào cản này, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung triển khai nhiều các hoạt động, giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ để đẩy nhanh quá trình CĐS quốc gia.
Một trong số đó có thể kể đến việc ra mắt Nền tảng SMEdx có sự tham gia của 15 DN cung cấp nền tảng công nghệ Make in Viet Nam. Qua đó, các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể tìm hiểu về CĐS, học hỏi các phương pháp CĐS phù hợp cho DN mình.
Các nền tảng CĐS tham gia Chương trình đều là nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc do Bộ TT&TT tập hợp, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng, trước khi giới thiệu để cộng đồng DN SME dùng thử, trải nghiệm và vận dụng vào các nghiệp vụ cụ thể của mình. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ, tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy sự hoàn thiện quốc gia số.
Nhờ vào các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ CĐS cho DN nên dù gặp làn sóng Covid thứ 4 nhưng Chương trình SMEdx cũng đã đạt được những thành công rất đáng kể. Sau 4 tháng triển khai, Chương trình SMEdx đã tuyên truyền tới 5061 cá nhân và tổ chức về CĐS thông qua cổng thông tin CĐS http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn, đồng thời, tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn CĐS cho hàng nghìn DN tại các địa phương như Vũng Tàu, Bình Phước, trong đó đã có 1790 DN nhỏ và vừa đã sử dụng các nền tảng số được Chương trình SMEdx đề xuất để CĐS DN.
*Nguồn: ictvietnam