The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationChính phủ các quốc gia trên thế giới đang xem xét ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào cung cấp dịch vụ công (DVC). Theo các chuyên gia, một nền tảng dữ liệu mạnh mẽ là chìa khóa cho các chính phủ ứng dụng AI
Vừa lo lắng vừa phấn khích về tiềm năng sử dụng AI trong khu vực công
Sự phát triển của AI tạo cơ hội để tự động hóa bộ máy hành chính trong khu vực công và cải thiện việc cung cấp các DVC. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc sử dụng các thuật toán AI cũng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và chênh lệch hiện có trong xã hội.
Các cảnh báo đang tăng lên. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, ông Gerard Quinn, cho biết chất lượng AI “phụ thuộc vào thông tin và dữ liệu đầu vào cung cấp cho máy móc” và để xác định ứng viên tốt nhất cho một công việc, công cụ sẽ dựa trên dữ liệu về những nhân viên được coi là thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, Quinn cho biết điều này “không công bằng, phù hợp với nhiều ứng viên, vì có những người không tuân theo các tiêu chuẩn tuyển dụng trước đây, chẳng hạn như người khuyết tật”.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gây lo ngại khi ủy viên Margrethe Vestager cảnh báo AI có thể gây hại cho những công dân kém may mắn. Margrethe Vestager lo ngại mọi người sẽ bị "đánh giá" về chủng tộc, giới tính hoặc nơi cư trú của họ.
“Nếu đó là một ngân hàng sử dụng AI để quyết định xem tôi có thể vay thế chấp hay không, hoặc đó là các dịch vụ xã hội ở thành phố, mọi người sẽ muốn đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử vì vấn đề giới tính hoặc màu da hoặc mã bưu điện của bạn”, bà nói.
Tại hội thảo trực tuyến về cách các chính phủ có thể sử dụng AI công bằng và loại bỏ các thành kiến như thế nào, Jeremy Darot, người đứng đầu bộ phận AI của chính phủ Scotland, cho biết sự phổ biến của các công cụ AI như ChatGPT đã khiến vấn đề trở nên “cấp bách và cụ thể đối với nhiều người hơn bao giờ hết, kể cả trong chính phủ”.
Thực tế, mọi người cũng cảm giác phấn khích về tiềm năng sử dụng AI trong khu vực công để giải quyết tình trạng quan liêu và cải thiện việc cung cấp dịch vụ. Nhưng bên cạnh đó, trong toàn tổ chức và khu vực công rộng lớn, còn có cả nỗi lo lắng.
Mặc dù công nghệ đang phát triển nhanh chóng, nhưng AI phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự mà các hệ thống do con người thiết kế luôn gặp phải, bao gồm cả sai lệch trong việc ra quyết định. Darot nói: “Những định kiến cá nhân này đã ăn sâu vào xã hội nói chung và chính phủ nói riêng qua hàng thiên niên kỷ. Vì vậy, điều này không phải là mới. Điểm mới của AI là nguy cơ tiếp tục củng cố những thành kiến đó dưới lớp vỏ logic hoặc tính khách quan và khiến việc phân biệt đối xử xảy ra trên quy mô lớn bằng cách tự động hóa các quyết định”.
Darot và nhóm của ông đang phát triển kế hoạch sử dụng AI trong chính phủ Scotland. Họ đã phát triển và xuất bản chiến lược AI cho Scotland, xung quanh ba trụ cột là độ tin cậy, đạo đức và tính toàn diện, đồng thời nhóm cũng đã phát triển sổ đăng ký AI của Scotland để vừa cung cấp cho các tổ chức khu vực công thông tin về cách phát triển hoặc mua một hệ thống AI, và làm cho AI phát triển trong khu vực công trở nên minh bạch.
Đến năm 2035, tất cả các công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi AI
Judith Peterka, thuộc Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức, đã đề cập đến cách AI đang được sử dụng trên toàn quốc. Peterka cho biết Bộ Lao động ước tính đến năm 2035, tất cả các công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi AI.
Theo bà, AI có rất nhiều tiềm năng tăng năng suất lao động và chống lại tình trạng thiếu kỹ năng, nhưng cũng có những rủi ro xung quanh sự phân biệt đối xử và sự bất bình đẳng. Do đó, Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức đang quan sát phân tích tác động của AI bằng cách theo dõi cách các công ty sử dụng các công cụ AI.
Họ xem xét điều gì sẽ xảy ra khi các công ty triển khai các công cụ AI, xem xét các số liệu bao gồm năng suất lao động, sự hài lòng của người lao động cũng như sức khỏe và sự an toàn tại nơi làm việc, bao gồm cả việc sử dụng các thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên.
Bộ Lao động cũng thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm và lấy con người làm trung tâm thông qua mạng lưới mạnh gồm 20 tổ chức về AI trong lao động và hành chính công. Họ tập hợp các cơ quan chính phủ như cơ quan việc làm liên bang và hiệp hội bảo hiểm hưu trí Liên bang Đức để chia sẻ thông tin về cách sử dụng AI.
Peterka cho biết: “Các tổ chức này thực sự lớn và họ xử lý hàng triệu đơn đăng ký cho công dân Đức mỗi ngày. AI có thể được ứng dụng để các dịch vụ trở nên thân thiện hơn với người dân, cũng như tăng tốc độ xử lý. Ngoài ra, nhân sự trong các tổ chức công cũng đang thiếu hụt kỹ năng, vì vậy, AI có thể đóng một vai trò nào đó ở đây”.
Tuy nhiên, Peterka cho biết cần cẩn thận vì dữ liệu liên quan đến công việc của các cơ quan này thường nhạy cảm. Bộ Lao động của Đức đang phát triển các hướng dẫn triển khai và sử dụng AI, đồng thời tài trợ cho các dự án thử nghiệm AI.
Nền tảng dữ liệu mạnh mẽ là chìa khóa cho chính phủ ứng dụng AI
Trong khi đó, tại một Hội nghị về chính phủ điện tử được tổ chức tại Tallinn, Estonia, bà Claudia Oliveira, Giám đốc chương trình tại Ủy ban châu Âu (EU), cho biết khả năng tương tác xuyên biên giới mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu an toàn trên khắp EU, từ đó cho phép phát triển các công cụ AI tốt hơn và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu mạnh mẽ hơn trong hành chính công.
Hội nghị về Chính phủ điện tử ở Estonia
Nói về giá trị của AI đối với khu vực công, bà cho biết: "AI có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với các cơ quan hành chính công... để xử lý tốt hơn khối lượng dữ liệu lớn, tự động hóa các tác vụ thường ngày, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và giúp chính phủ làm được nhiều việc hơn với chi phí thấp hơn".
Ngày 14/6/2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua dự thảo luật có tên là Đạo luật AI của EU, nhằm mục đích đóng vai trò là khung pháp lý hướng dẫn của khu vực để phát triển AI đáng tin cậy.
Theo các chuyên gia, đối với các quốc gia đang xem xét các dự án chính phủ sử dụng công nghệ AI, điều quan trọng là nền tảng dữ liệu mạnh phải được đặt lên hàng đầu. Amos Mpungu, Giám đốc CNTT-TT tại Bộ CNTT-TT Uganda, cho biết cơ sở hạ tầng dữ liệu hạn chế, cơ chế thu thập dữ liệu không đầy đủ và khoảng cách kỹ thuật số góp phần tạo ra sự chênh lệch giữa các quốc gia.
Ngoài ra, ông Mpungu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, các tổ chức giáo dục và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để giúp vượt qua những thách thức này.
Chất lượng dữ liệu, độ chính xác, tính minh bạch và tin cậy, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực và cách tiếp cận toàn diện cũng như lấy con người làm trung tâm để quản trị dữ liệu nổi lên như những chủ đề chính. Khi các chính phủ trên toàn thế giới tiếp tục khám phá các khả năng của AI, những hiểu biết sâu sắc này đóng vai trò là lộ trình để quản trị dữ liệu hiệu quả và áp dụng AI có trách nhiệm trong khu vực công.