The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationHàng nghìn người yêu công nghệ tề tựu tại AI4VN 2023
Với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo: Sức mạnh cho cuộc sống", phiên chính AI Summit 2023 khai mạc sáng 22/9, thu hút hàng nghìn lượt đăng ký tham gia của cộng đồng quan tâm trí tuệ nhân tạo trong nước, quốc tế.
9h sự kiện khai mạc nhưng từ 8h hàng trăm người đã đến không gian triển lãm AI Expo để tiếp tục trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng AI, chờ đón diễn đàn AI Summit.
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023) diễn ra trong hai ngày 21-22/9 tại Riverside Palace, 360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM, gồm 4 hoạt động chính: AI Summit, AI Workshop, AI Expo và CTO Summit 2023 - vinh danh công ty có môi trường công nghệ tốt nhất tại Việt Nam.
AI4VN do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU). Qua năm năm tổ chức, chương trình thu hút hơn 10.000 người tham gia, hơn 100 diễn giả cùng bàn thảo nhằm phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.
Trước ngày khai mạc, chương trình thu hút 1.000 đến tham quan triển lãm AI Expo và dự bốn phiên AI Workshop.
Trong ngày đầu tiên, ước tính có 1.000 người đến dự ngày hội
Tại khu triển lãm, 30 gian hàng của các công ty công nghệ, trường đại học, như Aqua Việt Nam, AI Next Global, FPT, Naver, VinBigdata, VNPT... tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan. Khách tham quan hào hứng trải nghiệm lễ tân ảo Saltlux, robot thông minh cho thư viện của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thiết bị gia dụng Aqua, piano thực tế ảo từ Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), máy theo dõi sức khỏe Oppo OHealth H1...
AI4VN thúc đẩy hệ sinh thái AI qua 5 năm
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ lõi tạo nên sức đột phá cho cuộc cách mạng 4.0. Công nghệ này có nhiều vai trò trong cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp, giúp các đơn vị tối ưu hóa nhiều tác vụ cũng như chi phí. Tại Việt Nam, đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030", với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh đó, AI4VN tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 và trở thành sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo. Sau năm năm, chương trình trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý, ban hành chính sách, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu... cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
AI4VN 2023 tái hiện lại chặng đường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực trong nước như: y tế, tài chính ngân hàng, giáo dục, giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, văn hóa - giải trí... Sự kiện quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư từ các ngành công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tại khán phòng trước giờ khai mạc AI4VN
Lãnh đạo Bộ, ngành trải nghiệm công nghệ thông minh tại AI Expo
Trước phiên khai mạc, lãnh đạo Bộ, ngành tham quan 30 gian hàng triển lãm tại AI Expo. Tại khu trưng bày của Saltlux Technology và AI Next Global, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ bày tỏ sự hứng thú với công nghệ tạo văn bản, bài phát biểu bằng AI.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (giữa) và PGS.TS Vũ Hải Quân (bìa trái) cùng các đại biểu thăm các gian hàng tại sự kiện
Ông Huỳnh Thành Đạt thử nghiệm tính năng này ngay sau khi đi được giới thiệu. Bộ trưởng nhập câu lệnh: "Bài phát biểu khai mạc sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Kết quả hiển thị trong vòng 30 giây với khoảng 500 từ".
Tại gian hàng về sản phẩm y tế, chuẩn đoán bệnh cơ xương khớp, sau khi nghe nhân viên giới thiệu trụ sở chính tại Hàn Quốc, ông Đạt hóm hỉnh nói: "Nếu đến Hàn Quốc tôi sẽ liên hệ các bạn để trải nghiệm".
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thể hiện sự quan tâm với các gian hàng sản phẩm y tế. Ông liên tục đưa ra các câu hỏi về khả năng ứng dụng tại Việt Nam.
Tại gian hàng của Oppo, ông Đạt trải nghiệm kính công nghệ thực tế ảo Air Glass. Ông chú ý đến khả năng phân tích, nhắc thời tiết, hiển thị chữ viết dùng cho bài thuyết trình. Bộ trưởng đánh giá cao sản phẩm và góp ý cải tiến thiết kế nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Kế đến, các lãnh đạo trải nghiệm loạt giải pháp thông minh, ứng dụng AI vào chẩn đoán bệnh tim và phổi từ Đại học Quốc gia TP HCM. Dù mới ở bước nghiên cứu, Bộ trưởng khuyến khích đội ngũ phát triển ứng dụng thành công tại Việt Nam. Ông cũng chủ động mời các thành viên đội nghiên cứu lên chụp ảnh lưu niệm.
Khép lại chuyến trải nghiệm, các đơn vị tiến về khán phòng để khai mạc AI Summit.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng AI là công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được Nhà nước quan tâm, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ và có nhiều sản phẩm đột phá trong vài năm qua. Ngày 26/10/2021, Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, góp phần thúc đẩy công nghệ, phát triển kinh tế, đưa Việt Nam thành điểm sáng, trung tâm công nghệ trong khu vực, quốc tế.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ phát biểu khai mạc AI4VN
"Qua hai năm triển khai chiến lược, chúng ta đạt được thành tựu đáng khích lệ", ông Đạt nói trong phát biểu khai mạc. Lãnh đạo Bộ cho rằng nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học đã cùng nhau đẩy mạnh nghiên cứu, chung tay tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hữu ích, đi vào cuộc sống. Dẫn ví dụ thực tiễn, ông Đạt cho rằng 30 gian hàng trưng bày các sản phẩm AI của các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển. Kết quả được phản ánh qua các báo cáo về sẵn sàng về AI. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới theo báo cáo của Oxford Insights, tăng 7 bậc so với 2021.
AI4VN là sáng kiến của Bộ và trở thành sự kiện thường niên 5 năm qua, thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, chung nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông Đạt đánh giá cao vai trò kết nối của AI4VN, giúp nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học cả trong và ngoài nước xích lại gần nhau. "Chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều sản phẩm được giới thiệu tại sự kiện sẽ sớm được kết nối với cộng đồng, ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khẳng định khi kết thúc bài phát biểu khai mạc. Lúc này, khán phòng chật kín sự tham gia của hàng trăm người.
AI4VN truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên
Tiếp nối tuyên bố khai mạc sự kiện, ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM chia sẻ rất vui mừng và vinh dự khi được tham dự AI4VN 2023. Ông cho biết đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức ở TP HCM và cả hai lần, Đại học Quốc gia TP HCM đều tham gia chặt chẽ. Bởi sự kiện là sân chơi quan trọng cho ngành AI, là nơi gặp gỡ của các nhà làm chính sách và các doanh nghiệp để phát triển AI. Sự kiện đã truyền cảm hứng cho ông cũng như các giảng viên và sinh viên của nhà trường sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng AI phục vụ sự phát triển đất nước.
Ông cho biết, Đại học Quốc gia TP HCM được định hướng để phát triển thành một Đại học hàng đầu khu vực, trong đó công nghệ bán công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo là ba mũi nhọn. Tính riêng tổng quy mô các khối ngành đào tạo liên quan đến AI, trường có khoảng 6.000 sinh viên đại học, 1.000 học viên cao học, 300 thầy cô giáo. Nhà trường mong muốn được đóng góp nguồn nhân lực cao cấp cho lĩnh vực AI cho đất nước.
Ông Vũ Hải Quân phát biểu tại sự kiện
Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ để phát triển các chương trình công nghệ cao, từ các tổ chức quốc tế để kết nối nhà trường nói riêng và các trường đại học nói chung với các tổ chức giáo dục quốc tế.
Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh đề cao AI4VN
Nối tiếp phần phát biểu chào mừng, bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM bước lên sân khấu gửi lời chúc mừng Việt Nam với những tiến bộ, thành tựu đạt được trong xây dựng hệ sinh thái AI.
Bà Emily Hamblin phát biểu chào mừng
Bà nói, từ ngày hôm qua đã ghé thăm các gian hàng, trải nghiệm hệ sinh thái AI. Các giải pháp trưng bày tại đây đã cho thấy sự phát triển của ngành công nghệ Việt với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp. Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM cũng nhìn nhận AI đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt, từ Chính phủ, hành chính công đến thương mại, y tế, giáo dục.
Với giọng nói nhanh, tràn đầy hào hứng, bà Emily Hamblin nhận định AI4VN là một sáng kiến hay để thúc đẩy ứng dụng AI trong đời sống. "Ngày hội mang đến cơ hội đối thoại giữa Chính phủ với giới học thuật, doanh nghiệp, kết nối bước tiến từ các quốc gia khác nhau", bà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Emily Hamblin, AI4VN giúp Vương quốc Anh hiểu thêm về nhu cầu công nghệ của các đơn vị tại Việt Nam, thắt chặt mối quan hệ chuyên môn với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như TP HCM.
Vương quốc Anh đã có chiến lược công nghệ với năm công nghệ ưu tiên, một trong đó là AI. Bà nhấn mạnh, AI đang có nhiều bước tiến vượt bậc, phát triển nhanh và sẽ đạt nhiều thành tựu đột phá hơn trong tương lai. Sự phát triển này mang lại nhiều cơ hội cho Chính phủ, khu vực công và doanh nghiệp. Tuy vậy, cùng với lợi thế là những rủi ro phức tạp hơn, đòi hỏi các quốc gia cần cân bằng sự phát triển với đạo đức, quản lý.
"Các rào cản về AI chủ yếu nằm ở niềm tin người dùng, rất khó để khai thác công nghệ mà bỏ qua bước giải quyết rào cản kiến thức, quản trị", bà Emily Hamblin nêu, nhận nhiều đồng tình từ khán đài.
Cũng theo Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM, đơn vị sẽ có những hội nghị về AI nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế. Gần nhất là hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 11, tạo tiền đề thảo luận chung về bức tranh AI toàn cầu.
Những tiến bộ của AI mở ra tiềm năng hợp tác khoa học Việt - Mỹ
Ông Graham Harlow - Quyền Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cho biết vinh dự khi được tham gia sự kiện lớn về khoa học công nghệ, chỉ hai tuần sau khi Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất - đối tác chiến lược toàn diện. "Trọng tâm trong sự hợp tác lần này là đổi mới sáng tạo. AI là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu. Những tiến bộ của AI mở ra tiềm năng cho cả hai nước trong các lĩnh vực như y học, môi trường, giáo dục và phúc lợi công cộng", ông Harlow nói.
Đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ mong muốn tiếp hợp tác chặt với Việt Nam để phát triển khoa học công nghệ, xây dựng các quy chuẩn về sử dụng, phát triển AI trong thời gian tới. Ông cũng khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu mở cửa, tăng cường hợp tác.
Ông Graham Harlow phát biểu tại sự kiện
Ông Harlow cũng dẫn những hợp tác gần đây của Việt Nam - Mỹ để nói về tiềm năng và cơ hội cùng thúc đẩy công nghệ AI của hai bên. Microsoft và Trusting Social hợp tác để phát triển giải pháp tổng thể dựa trên AI phù hợp với Việt Nam. Nvidia bắt tay với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong đám mây, ôtô và chăm sóc sức khỏe. "Bộ Ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam để thiết lập khuôn khổ quốc tế trong quản lý, phát triển, sử dụng AI trên toàn cầu", đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ chia sẻ.
Khép lại bài phát biểu, ông Harlow khẳng định AI là công cụ phục vụ, hỗ trợ con người đắc lực trong tương lai. Ông có khoảnh khắc khiến cả khán phòng bật cười khi khẳng định bài phát biểu của mình do con người soạn thảo, không phải từ công cụ AI. "Tôi muốn các bạn đánh giá xem con người hay AI soạn văn bản hay hơn", ông nói.
Hy vọng Hàn Quốc - Việt Nam cùng thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Tiếp tục phần phát biểu khai mạc, ông Yang Ki Sung - Tham tán Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cập nhật những xu thế phát triển của AI trong bối cảnh hiện nay. Nổi bật như sự phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, AI tạo sinh mở ra thời kỳ mới, giúp tạo trải nghiệm liền mạch trong mọi mặt đời sống. AI cũng tác động, rút ngắn thời gian làm việc, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất.
"Khả năng cạnh tranh một quốc gia phụ thuộc việc có thể khai thác tiềm năng AI, mở rộng ứng dụng trong cuộc sống đến đâu", ông Yang Ki Sung khẳng định.
Ông Yang Ki Sung phát biểu tại sự kiện
Ông Yang Ki Sung cũng giới thiệu một số chiến lược từ Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy ứng dụng AI như ban hành kế hoạch hành động trong tất cả ngành. Ông nhận xét, gần đây Việt Nam nổi lên là quốc gia có tiềm năng lớn về AI. Nếu so sánh khả năng cạnh tranh kỹ thuật số, việc hợp tác hai quốc gia sẽ tạo bước tiến rất đáng kể. Ngày nay nhiều chuyên gia hàng đầu và doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia AI4VN. Thông qua sự kiện, hai quốc gia có thể mở rộng hợp tác, tăng ứng dụng AI trong đời sống hàng ngày.
"Tôi hy vọng các viện nghiên cứu, đơn vị sẽ tăng kết nối để hai quốc gia thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng đến thời đại mới: AI là động lực nền kinh tế", ông phân tích, khép lại phần chia sẻ.
Hành trình AI4VN qua 5 năm
Sau phần phát biểu từ các lãnh đạo, khán phòng tập trung theo dõi hành trình AI4VN qua 5 năm cùng những tác động tích cực đến sự phát triển hệ sinh thái AI.
Cần có những quy định để AI tin cậy hơn
Ông Kim Wimbush, Tham tán CSIRO kiêm Giám đốc chương trình Aus4Innovation, Đại diện cơ quan khoa học công nghệ của Australia trong bài phát biểu của mình cũng khẳng định phía Australia luôn sẵn sàng hợp tác về AI với Việt Nam.
Ông Kim Wimbush phát biểu tại sự kiện
Mở đầu bài nói chuyện, ông chia sẻ Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thời gian này, mối quan hệ của hai bên cũng đạt được nhiều dấu ấn. Đặc biệt 10 năm qua, các quỹ đầu tư của Australia có 33,5 triệu USD để sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực phát triển môi trường, khoa học công nghệ, xã hội. Ông mong muốn có thể tận dụng thế mạnh của AI để phát triển đời sống con người.
Ông chia sẻ, thời gian Covid-19, phía Australia vẫn có nhiều hoạt động để thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ nói chung và AI nói riêng với Việt Nam. Australia đã tổ chức nhiều chương trình sáng tạo, các hội thảo... để nói về lợi thế khi ứng dụng AI, nhất là trong các lĩnh vực chăm sóc y tế sức khỏe, quản lý môi trường. Ông ví dụ người nông dân có thể sử dụng AI để chụp hình toàn bộ cánh đồng mía của mình cũng như theo dõi được sức khỏe của các cây mía. "AI chính là cánh tay nối dài của chúng ta", ông Kim Wimbush khẳng định.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, AI mang lại những thách thức và rủi ro, vì vậy đưa ra những quy tắc sử dụng AI sao cho AI đáng tin cậy hơn là rất quan trọng. Ông cũng khẳng định Australia có nhiều hoạt động và tiếng nói trên trường quốc tế trong lĩnh vực AI. Đất nước chuột túi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để phát triển AI cũng như kết nối Việt Nam với mạng lưới của mình ở châu Á.
Kết thúc bài phát biểu, ông Kim Wimbush chúc mừng Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực AI, ông cũng bày tỏ mong muốn được học hỏi những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển AI và khẳng định trách nhiệm cùng chia sẻ giữa các bên trong các hoạt động phát triển AI.
Các trụ cột đánh giá chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo
Hội nghị bước sang phần tham luận với phần trình bày về "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022" của ông Pablo Fuentes Nettel, Chuyên gia tư vấn cấp cao tại Oxford Insights.
Để đưa ra đánh giá về chỉ số sẵn sàng, Oxford Insights thu thập các dữ liệu xoay quanh ba trụ cột về tầm nhìn của chính phủ xoay quanh AI (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi); công nghệ hiện tại được áp dụng; khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu.
Ông Nettel cho biết đến tháng 12/2022, Mỹ và Singapore dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng AI. Trong khi đó các nước có thu nhập trung bình quan tâm lớn đến phát triển công nghệ. Việt Nam đứng thứ 55 trong bảng xếp hạng này và đứng thứ 6 ở khu vực ASEAN. Malaysia là nước ASEAN có hạng cao nhất, thứ 29. "Việt Nam đạt 53,96 điểm, trên mức trung bình của thế giới là 44,61. Trong đó, chính quyền là yếu tố mạnh nhất của Việt Nam", ông Nettel nói.
Ông Pablo Fuentes Nettel, Chuyên gia tư vấn cấp cao tại Oxford Insights mở đầu phiên tham luận
Ông Nettel cho biết hiện tại có khoảng 60 quốc gia có chính sách phát triển AI, trong đó có Việt Nam. Theo diễn giả, Việt Nam có lợi thế về phát triển AI nhờ sự ủng hộ của Chính phủ. Theo các chỉ số đánh giá, nước ta hiện có hai kỳ lân công nghệ, đứng thứ ba trong ASEAN. Diễn giả đánh giá cao Việt Nam về nền tảng R&D, giáo dục đại học, tính cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực, nước ta vẫn dành quá ít đầu tư cho R&D, chỉ 0,5% GDP.
Về cơ sở hạ tầng dữ liệu, ông Nettel dẫn các chỉ số cho thấy nước ta ở mức dưới trung bình và cần đầu tư cải thiện. Đề xuất giải pháp, diễn giả cho rằng chuyển đổi 5G và xây dựng các cơ sở dữ liệu mở là giải pháp để tăng các chỉ số, tạo động lực cho sự bùng nổ công nghệ.
Kết thúc bài phát biểu, ông Nettel khẳng định Việt Nam có tương lai tươi sáng nếu tập trung đầu tư AI. "Việt Nam có kinh tế năng động, dân số trẻ, nhiều tài năng. Tôi nghĩ nước bạn có nhiều lợi thế, tiềm năng lớn để mở ra tương lai tươi sáng cho AI", ông khẳng định.
AI ứng dụng đa dạng trong cuộc sống hàng ngày
Nối tiếp chương trình, ông Ha Jung Woo, Head of NAVER Cloud AI Innovation trình bày tham luận "Innovation in Daily Lives by Hyperscale AI" (tạm dịch "Đổi mới sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày bởi Trung tâm dữ liệu AI").
Ông Ha Jung Woo thừa nhận, các tác động của AI tạo sinh đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Từ dẫn báo cáo của Bloomberg dự đoán thị trường AI đạt 1.300 tỷ USD vào năm 2032, ông cho rằng đó là lý do khiến rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Naver đầu tư vào công nghệ này.
Ông Ha Jung Woo trình bày tham luận tại sự kiện
Ông Ha Jung Woo khẳng định, AI đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và cách chúng ta làm việc. Đơn cử,về khoa học dữ liệu, chúng ta có thể thử nghiệm với nhiều ứng dụng và hoạt động khác nhau, từ excel với việc tạo ra biểu đồ thông qua những câu lệnh đơn giản, đến ứng dụng AI và ChatGPT vào công việc hàng ngày. Hay hoạt động của Designer cũng khác khi có ứng dụng của AI. Để sáng tạo một hình ảnh đẹp, người thiết kế có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có AI. "Tuy nhiên, AI có thể xuất ra những hình ảnh mà chúng ta không mong muốn, vì thế chúng ta cần kiểm tra lại sản phẩm do AI tạo ra, không nên tin tưởng vào nó 100%", chuyên gia Hàn Quốc khuyến cáo.
Mặc dù khẳng định AI mang lại nhiều thuận lợi cho cuộc sống nhưng ông cũng khuyên người dùng cần vượt qua được rủi ro là phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.
Sau khi nói lên thực trạng AI đang "thiên vị" khi sử dụng chủ yếu là tiếng Anh, ông chia sẻ Naver đã tạo ra mô hình riêng của mình, để có thể sử dụng cho nhiều đối tượng hơn. Ông cũng cho biết trên thế giới có ba quốc gia có hệ sinh thái AI riêng là Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước khi kết thúc bài nói chuyện của mình, ông dành nhiều thời gian để giới thiệu nhiều ứng dụng AI có thể dùng trong đa dạng lĩnh vực, cho cá nhân và tập thể, từ lên kế hoạch du lịch, đi phỏng vấn, đến hoạt động trong giao thông, kinh doanh... Ông cũng chia sẻ, Hàn Quốc mong muốn ứng dụng AI vào dịch vụ công.
AI giúp Aqua điều khiển nhà máy 8.000 m2 chỉ với hai nhân viên
Tham luận thứ ba xoay quanh chủ đề "Công nghệ AI có thể thay thế sức người thế nào", nêu bởi ông Võ Minh Thảo, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị toàn quốc, Công ty TNHH điện máy Aqua Việt Nam.
Dưới góc nhìn của tập đoàn sản xuất và phân phối trong 25 năm qua, ông phân tích hai khía cạnh về ứng dụng AI: vai trò của AI trong kinh tế và cách Aqua ứng dụng AI trong sản xuất - vận hành.
Ông Võ Minh Thảo chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ AI trong các sản phẩm của Aqua
Ông Thảo nhấn mạnh công nghệ AI có sức lan tỏa mạnh mẽ, có nhiều ứng dụng trong sản xuất, y tế, môi trường, công nghệ thông tin. Tại đơn vị, AI mang đến khả năng tự động hóa mọi nhiệm vụ. Ví dụ nhà máy 8.000 m2 chỉ cần hai nhân viên, AI sẽ kiểm tra mọi lỗi kỹ thuật, đưa tỷ lệ lỗi về 0%. AI giúp đơn vị phân tích dữ liệu lớn và ra quyết định thông minh. Bên cạnh các lý thuyết, Aqua ứng dụng AI để giám sát toàn bộ quy trình công nhân, ở dây chuyền nào có hiệu suất chưa tốt hay chỗ nào tốt để nhân rộng ra các nhà máy còn lại, tối đa năng suất.
"Trước đây, quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng cần 30-45 ngày. Với AI, chúng tôi xây dựng mô hình giả lập chỉ trong 7 ngày, rút ngắn nhiều thời gian nghiên cứu, đưa nhiều sản phẩm đến tay người dùng đế hơn 137 quốc gia Aqua hiện diện", ông Thảo nói.
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng AI sẽ tiếp tục định hình và thay đổi thế giới công nghiệp cũng như ngành kinh tế, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
AI tạo sinh là nhánh thu hút nhất trong trí tuệ nhân tạo
Tiến sĩ Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VinBigdata tiếp tục phần tham luận với chủ đề "Việt Nam có cần làm chủ công nghệ AI tạo sinh?".
Theo ông Minh, AI tạo sinh là một trong những nhánh thu hút nhất trong trí tuệ nhân tạo hiện nay. AI tạo sinh là thuật toán có khả năng tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, video và thậm chí là âm thanh, bài nhạc. Những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI tạo sinh có thể cho ra kết quả tương tự như khi được tạo ra bởi con người. Công nghệ này được các cường quốc thúc đẩy suốt thời gian qua, tiêu biểu là ChatGPT tại Mỹ. Kể từ khi ChatGPT ra mắt, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng chạy đua để theo đuổi mô hình này.
Việt Nam nên "đứng trên vai người khổng lồ" hay tự đầu tư nền tảng AI tạo sinh, ngôn ngữ lớn vẫn là câu hỏi lớn. Lãnh đạo VinBigData dẫn số liệu của McKinsey, AI tạo sinh đóng góp 2.600 - 4.400 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu hàng năm. Tại Việt Nam, AI tạo sinh tạo ra nhiều lợi ích cho chính quyền, kinh tế, xã hội. Ông Minh cho rằng công nghệ này giúp Chính phủ chủ động kiểm soát nội dung tránh thông tin sai lệch, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quốc gia, đưa công nghệ Việt ra thế giới. "Việt Nam hoàn toàn có cơ hội rút ngắn khoảng cách so với thế giới nếu tận dụng AI tạo sinh", ông Minh nói.
Tiến sĩ Đào Đức Minh chia sẻ về AI tạo sinh
Sản phẩm này cũng cung cấp thông tin đặc trưng và đặc thù của người Việt, lưu giữ bản sắc văn hóa Việt với thông tin chính xác, uy tín và đầy đủ nhất. Ở góc độ kinh tế, AI tạo sinh giúp các doanh nghiệp tự chủ công nghệ lõi, thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu.
Đào sâu hơn về AI tạo sinh trong kinh tế, ông Minh cho rằng công nghệ này có thể ứng dụng trong mọi lĩnh vực cả về chiều rộng và sâu. Ví dụ, trước đây, các chatbot chỉ làm nhiệm vụ trả lời theo lập trình, nhưng với AI tạo sinh, các chatbot có thể nói chuyện gần gũi, tự nhiên, tư vấn cá nhân hóa cho khách hàng. AI cũng có thể hỗ trợ tư vấn bán hàng, đề xuất các mô hình kinh doanh, sản phẩm mới.
Sản phẩm dành cho người Việt nên do người Việt phát triển
Tổng Giám đốc VinBigdata cho rằng dù đầy tiềm năng và nhiều lợi ích, vẫn có nhiều rào cản ngăn AI tạo sinh bùng nổ tại Việt Nam. Các rào cản được ông Đào Đức Minh liệt kê là kinh phí, bảo mật, tính chính xác, tính bản địa, tính phù hợp. Trong đó, chi phí phát triển lớn hơn rất nhiều so với Mỹ hay các nước phát triển.
Dẫu vậy đại diện VinBigdata cho rằng phát triển AI tạo sinh cho người Việt vẫn là điều nên làm để tạo ra công cụ thuần Việt, có thể hiểu văn hóa Việt. Gần đây, VinBigdata đã phát triển thành công AI tạo sinh đầu tiên dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, sẽ được ứng dựng lên các sản phẩm như Vivi, VinBase, ViGPT. Ông Minh so sánh với ChatGPT để thấy tính phù hợp của sản phẩm Việt bằng cách đặt cùng một câu hỏi cho hai nền tảng. Chat GPT đưa ra câu trả lời chung, nhiều câu khó hiểu, trong khi sản phẩm Việt phân tích sâu và diễn giải bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu.
Ông Đào Đức Minh chia sẻ tại sự kiện
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa sản phẩm AI đến hàng triệu người dân như cách Vivi được ứng dụng trên xe điện VinFast. Vivi có tính bản địa hóa, tư vấn, trả lời tự nhiên, hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt và ngữ cảnh", ông Minh nói. Ngoài ra, lãnh đạo VinBigdata cũng kể về VinBase - một nền tảng mới phát triển, có khả năng tạo ra câu trả lời dựa trên kiến thức thu thập được, tư vấn cho người dùng theo nhu cầu cá nhân hóa. Nền tảng này có thể hiểu được cả từ lóng, từ địa phương, từ viết tắt.
Dự kiến tháng 12 năm nay, thành viên của Vingroup sẽ ra mắt hai dòng sản phẩm là VinBase2.0 và ứng dụng ViGPT. VinBase 2.0 là nền tảng AI tạo sinh đa nhận thức với các giải pháp phục vụ doanh nghiệp, cơ quan chính phủ. Trong khi đó, ứng dụng ViGPT được giới thiệu là "ChatGPT phiên bản Việt", được mở cho cộng đồng truy cập và thử nghiệm. Với ViGPT, người dùng có thể hỏi đáp các thông tin đặc thù của Việt Nam (quy định, văn bản pháp luật) hoặc các thông tin mang tính bản địa (lịch sử, văn học, danh lam thắng cảnh, đặc sản địa phương).
"Có những sản phẩm cho người Việt chỉ nên do người Việt phát triển. Chúng tôi mong có sự đồng lòng của ban ngành, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc đưa sản phẩm đột phá, hữu ích đến người dùng", ông Đào Đức Minh kết luận trong bài phát biểu.
Sự cần thiết của trợ lý AI riêng biệt
Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược VNPT AI tiếp nối sự kiện với bài trình bày mang tiêu đề "Phát triển xã hội số với trợ lý ai chuyên biệt".
Sau khi khẳng định tác động to lớn của AI đối với nền kinh toàn cầu, với các dẫn chứng AI đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030 (theo nguồn của VnEconpmy), đồng thời AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới, ảnh hưởng tới khoảng 90% doanh nghiệp... Ông phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này. Đó là công nghệ AI được sử dụng để nén các trí thức của con người. Thậm chí, chỉ với chiếc điện thoại di động trên tay, mỗi người cũng có thể tự có bên mình một trợ lý AI. AI có thể quyết định thay chúng ta một số việc giúp hiệu suất công việc tăng cao.
Tiến sĩ Lê Thái Hưng trình bày tham luận tại sự kiện
Tiếp theo, ông nêu lên sự cần thiết của trợ lý AI chuyên biệt của người Việt. Sau khi phân tích một số vấn đề của các sản phẩm AI trên thế giới như tính chính xác của đầu ra, tính bảo mật của dữ liệu, mức độ cập nhật dữ liệu, tính phụ thuộc khi sử dụng... chuyên gia cho rằng, trợ lý AI của người Việt nên phát triển theo hướng chuyên sâu cho một ngành, một lĩnh vực hay một nghiệp vụ cụ thể.
Ông cũng chia sè VNPT tự tin xây dựng trợ lý AI chuyên biệt nhờ dựa trên 4 trụ cột là con người, dữ liệu, hạ tầng và chiến lược. Ông cũng cho biết hệ sinh thái AI của VNPT có mặt ở khắp nước và đa dạng trong các lĩnh vực.
Nhờ có hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, VNPT đã tạo ra những trợ lý AI chuyên biệt như trợ lý AI định danh điện tử, trợ lý AI y tế cho bác sĩ, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI lắng nghe mạng xã hội, trợ lý AI chăm sóc khách hàng và người dân và được khách hàng đón nhận vì đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng.
Kết thúc bài chia sẻ, chuyên gia của VNPT khẳng định VNPT mong muốn tạo ra hàng nghìn trợ lý AI riêng biệt để phục vụ các doanh nghiệp và người dân.
Trình diễn công nghệ AI gợi ý dịch vụ tài chính, giải đáp giáo dục
Một trong những tiết mục được chờ đợi trong chương trình là phần trình diễn công nghệ AI đến từ: FPT, Aqua, VinBigdata, Veronica, Trí Nhân và Bảo Đại; kết hợp hiệu ứng ánh sáng với hoạt cảnh thú vị, phần tương tác hấp dẫn giữa các diễn viên.
Diễn viên tương tác với trí tuệ nhân tạo trong hoạt cảnh
Hiệu ứng màn hình chiếu chuyển về bối cảnh phòng làm việc, một doanh nhân xuất hiện giữa sân khấu với băn khoăn về rút tiền bằng thẻ tín dụng. Câu hỏi nêu lên, trợ lý ảo FPT.AI lập tức gợi ý các thao tác có thể thực hiện. Trợ lý ảo còn gợi ý các gói tài chính cho nhân vật, khi bị nhận xét: "Sao lãi cao vậy", trợ lý liền ghi nhận cảm xúc này để giải thích: sản phẩm dựa trên lịch sử tài chính nên có nhiều tính năng cá nhân hóa của người dùng. Cuối cùng, khi người dùng xác nhận muốn đăng ký, FPT.AI hoàn tất thủ tục đăng ký trên ứng dụng ngân hàng chỉ trong vài phút.
Nhạc nền thay đổi, không gian cũng chuyển thành bối cảnh phòng học, một học sinh bước lên sân khấu, trò chuyện cùng robot Trí Nhân. Thể hiện sự thích thú, cô bé nói đặt ra một đề toán, robot ngay lập tức đưa ra lời giải mà không cần thời gian suy nghĩ.
Thử thách tiếp theo của nữ học sinh là phân biệt phát âm "iếc" và "iết", khiến khán phòng rộ lên tiếng cười. Nhiều người còn làm theo hướng dẫn của robot, như môi căng ra, miệng mở rộng để phát âm tròn rõ nhất.
Phần trình diễn AI tiếp theo mang đến không gian của gia đình nhiều thế hệ. Bố và con gái sau về nhà liền đặt yêu cầu cho trợ lý ảo "Mở máy lạnh và bật nhạc lên nào". Hệ thống nhà thông minh lập tức điều khiển máy lạnh và phát một bài nhạc từ Hàn Quốc kèm phần thuyết trình về thông tin bài hát như "Đây là ca khúc nổi tiếng đứng đầu các bảng xếp hạng hàng đầu thế giới".
Người mẹ dùng khẩu lệnh "Aqua ơi, khởi động máy giặt nào". Các công nghệ AI của Aqua sau đó thực hiện câu lệnh đồng thời tự động đánh giá chất vải, khả năng hấp thụ nước để phân bổ lượng nước giặt, xả phù hợp. Người dùng kiểm soát chương trình giặt thông qua thiết bị di động.
Ngay sau đó, sân khấu chuyển sang cuộc đối thoại của bố và con trai về sức khỏe. Người bố lớn tuổi dùng trợ lý Veronica để hỏi về các triệu chứng bệnh cao huyết áp. Trợ lý ảo đưa ra câu trả lời dựa trên kiến thức y khoa, đồng thời tư vấn cách điều trị như thay đổi lối sống, giảm muối tiêu thụ, ăn uống cân bằng, tập thể thao và tham khảo ý kiến bác sĩ. Trợ lý Veronica cũng hỗ trợ con gái vẽ tranh vịnh Hạ Long, cung cấp thông tin kiến thức vịnh kỳ quan của Việt Nam.
Trong khi đó, ông bà sử dụng trợ lý ảo Vivi để tham khảo các gợi ý về địa điểm du lịch. Trợ lý ảo nghe giọng nói tiếng Việt và đưa ra tư vấn phù hợp, lưu ý về những điều nên và không nên làm khi du lịch. Lợi ích của AI được thể hiện thêm qua chi tiết trợ lý ảo hỗ trợ nhà soạn nhạc hoàn thành bài hát từ những nốt nhạc mẫu. Khi bản nhạc AI soạn vang lên, khán phòng vỗ tay nồng nhiệt.
Lễ ký kết hợp tác phát triển Nền tảng chia sẻ dữ liệu Openscience.vn
Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán phục vụ nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo là một trong những nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Để thực thi nhiệm vụ cấp thiết này, dự án "Xây dựng nền tảng quản trị dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ quy mô quốc gia sử dụng công nghệ tính toán đám mây và dữ liệu lớn" được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tài trợ cho Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì phối hợp với Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần GeneStory, và Công ty Cổ phần HADTech thực hiện.
Nền tảng này cho phép cộng đồng nghiên cứu trong nước đóng góp và chia sẻ các bộ dữ liệu dùng chung, qua đó giảng viên, sinh viên, học viên trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo có thể khai thác nền tảng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo.
Nhằm mở rộng phạm vi triển khai và vận hành nền tảng quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học công nghệ dùng chung Openscience.vn, trong sự kiện sáng nay, 4 đơn vị: Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Công ty FPT Smart Cloud, và Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam cùng thực hiện Lễ Ký kết Hợp tác Phát triển Nền tảng chia sẻ dữ liệu Openscience.vn hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu KH&CN dùng chung tại Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (giữa) chứng kiến hợp tác của các đơn vị
Đại diện của 4 đơn vị là tiến sĩ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (NASATI), PGS. TS Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng - Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (IOIT); ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, PGS. TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam đã cùng ký kết trước sự chứng kiến của ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.
Sau đó các thành viên Ban điều hành Openscience.vn cũng thực hiện nghi thức ra mắt. Khi các thành viên ban điều hành tiến tới vị trí màn hình sân khấu, đặt tay lên quả cầu biểu trưng trên màn hình để thực hiện nghi lễ ra mắt, pháo điện tử và âm nhạc bùng nổ trên sân khấu, và những tràng vỗ tay cùng vang dưới khán phòng.
Theo: vnexpress