The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationTheo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an, lợi dụng "khoảng trống", "độ trễ" thông tin về dịch bệnh, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật - giả, sử dụng thông tin về những sự việc, hiện tượng có thật để thêu dệt, thêm thắt những thông tin bịa đặt hoặc bình luận xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc. Hoặc các đối tượng dùng thông tin xác thực, tin chính thống làm "bệ đỡ" cho những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, ngụy biện nhằm lấy được lòng tin của người đọc vào những thông tin sai lệch mà các đối tượng đưa ra.
Cơ quan chức năng làm việc với người đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo nguồn thông tin để người đọc lầm tưởng rằng thông tin sai lệch mà chúng đưa ra là từ nguồn tin cậy, chính thống. "Thủ đoạn thường thấy là giả mạo văn bản chỉ đạo của chính quyền, cơ quan chức năng; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng", Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường lý giải.
Mới đây, thông tin thất thiệt về số lượng 786 người là F1 liên quan đến 1 ca F0 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lan truyền trên mạng xã hội khiến đại diện chính quyền địa phương phải lên tiếng khẳng định đó là một thông tin sai lệch. Đây là trường hợp điển hình của tung tin giả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trong đó đối tượng lợi dụng sự việc có thật là 1 ca nhiễm COVID-19 ở huyện Chương Mỹ để bịa đặt số lượng lớn F1, qua đó tung tin giả về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng động nhằm gây hoang mang cho nhân dân. Sự hoang mang này có thể kích hoạt tâm lý đám đông và những phản ứng tiêu cực, gây khó khăn hơn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
UBND huyện Chương Mỹ bác bỏ thông tin 786 người là F1 của F0 ở Công ty Star.
Sáng 12/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Bí thư TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: Sẽ không cho người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, đi làm công sở thì ở công sở 7 ngày, đi làm phân xưởng thì ở phân xưởng 7 ngày. Sẽ cho người dân và cơ quan chuẩn bị 4 ngày. Đúng 8 giờ sáng thứ 2 tuần sau, án binh bất động toàn TP. Từ đây đến hết tháng 8, cả nước chỉ về thêm 3,2 triệu liều vắc xin không đủ cho TPHCM. Đề nghị tiêm đúng đối tượng. Đẩy nhanh tốc độ tiêm trong 4 ngày phải hoàn thành. Cơ bản không để cho người dân di chuyển trong 7 ngày. Ngày mai quận huyện sở ngành chuẩn bị phương án cho việc thực hiện. Y tế chuẩn bị sẵn sàng KHXN, lực lượng XN, cách thức, kể cả tiêm vắc xin”…
Qua xác minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết đây là thông tin giả mạo. Thực chất, thông tin trên lược trích các ý phát biểu của Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, không phải của TP Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, tin giả mạo này không ghi rõ chỉ đạo này của thành phố nào dẫn đến việc ngoài TP Hồ Chí Minh, người dân một số thành phố khác cũng hoang mang đồn đoán. Sau TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng của Hà Nội và Nha Trang (Khánh Hòa) cũng phải lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Ảnh hưởng xấu không kém thông tin trên là vào ngày 13/8, ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng vắc xin Vero Cell, một tài khoản Facebook đăng thông tin "Sau khi quận 12 thông báo chích thuốc Trung Quốc, dân bỏ về hết" kèm hình ảnh đã gây xôn xao dư luận. Thực chất ngày hôm đó, Quận 12 chưa tổ chức tiêm vắc xin này cho người dân mà chỉ tổ chức tuyên truyền, thông tin đến người dân. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, thông tin lan truyền trên mạng là thông tin không đúng sự thật, những hình ảnh đăng trên Facebook cũng không nằm trong các điểm tiêm vắc xin của Quận 12.
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội là thông tin giả mạo. Ảnh chụp màn hình
Trước đó, ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cảnh báo một số trang web lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm vắc xin phòng COVID-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính được các đối tượng lợi dụng là: honapply.vn và miniboon.vn.
Theo đó, website có giao diện giả mạo Bộ Y tế này thông báo chào mời người truy cập đăng ký tiêm chủng, thông qua một banner lớn hiện trên màn hình. Khi bấm vào nút đăng ký, người dùng được chuyển hướng sang một website khác với tên miền khác. Tại đây, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, đặc biệt là tên và mật khẩu Internet Banking của ngân hàng. Nếu người dùng nhập các thông tin này, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị hacker đánh cắp tài khoản ngân hàng và gây thất thoát tài sản.
Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng khẳng định Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế chỉ tồn tại duy nhất tại địa chỉ: https://www.moh.gov.vn.
Ngày 28/7, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên Facebook: “Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé". Nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…
Trang web giả mạo trang web của Bộ Y tế để lừa đảo.
Đặc biệt, tối 7/8, tài khoản Facebook Phong Lam và Nguyễn Thy gắn thẻ Trần Khoa đăng thông tin bác sĩ Khoa đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ song thai mắc COVID-19 nặng. Khi cha mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" được nhiều người chia sẻ, thu hút nhiều bình luận tiếc thương, cảm phục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó xác định nội dung trên là không có thật. Hai chủ tài khoản chia sẻ thông tin sai sự thật này đã bị xử phạt, 3 chủ tài khoản phát tán tin giả đầu tiên cũng bị mời lên việc. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp cơ quan quan chức năng làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu trục lợi trong sự việc này.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch COVID-19 ở nước ta.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Cục A05 cùng Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ tư, Cục A05 đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật.
Tin giả - thuốc độc trong cuộc chiến chống COVID-19:
Từ tháng 4/2021 đến nay, lợi dụng diễn biến tình hình phức tạp, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, số đối tượng phản động, chống đối và một số cá nhân tăng cường hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Theo thống kê của Cục A05, các đối tượng tập trung xuyên tạc, chống phá vào 7 nhóm vấn đề chính, như: Tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vắc xin của Bộ Y tế...
Các hình thức lừa đảo liên quan đến dịch COVID-19.
Nhóm vấn đề khác các đối tượng tập trung xuyên tạc là: bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm. Các đối tượng còn kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”; kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng; trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng; lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”... triển khai thời gian qua.
Để đối phó với cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động phát tán tin giả, tin xuyên tạc, sai lệch của mình, các đối tượng cũng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như sử dụng các trang mạng ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài; sử dụng các tài khoản nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác... để phát tán thông tin xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng chống tin giả, theo nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, người dân cần trang bị kiến thức để nhận biết các website không an toàn, tránh bị thiệt hại khi sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng.
Nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi thông qua bán hàng, kinh doanh qua mạng.
Theo đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) khuyến cáo người dùng internet Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo, một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến COVID-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, người dân có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn. Trung tâm sẽ tổng hợp và phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.
Các mẹo để tránh lừa đảo liên quan đến COVID-19.
Theo một số chuyên gia, người dân cần cảnh giác trước các đường dẫn có lỗi chính tả như sai, thiếu hoặc thừa một ký tự, hoặc thay thế một ký tự với ký tự khác gần giống; để ý các yếu tố như logo, hình nền, cần đảm bảo chắc chắn rằng chúng không phải là phiên bản nhái hay phiên bản lỗi thời; cần chú ý các thông tin đơn vị chủ quản website có chính xác hay không; cảnh giác với các thông báo có nội dung giật gân gây hoang mang hoặc kích động trên website.
Ngoài ra, người dùng cũng nên cẩn thận trước các lời mời tải phần mềm trên các trang web lạ, đặc biệt là những trường hợp lời mời tải xuống phần mềm kèm theo thông báo thiết bị đã bị nhiễm virus; tải miễn phí nội dung có bản quyền đắt tiền; tải xuống "siêu phần mềm"; mời tham gia kiếm tiền nhanh, giới thiệu với bạn bè để nhận hoa hồng cao...
"Cần lưu ý rằng, những thông tin về ca bệnh, công tác truy vết đều do lực lượng chức năng thực hiện và công bố. Do đó, người dân cần cập nhật thông tin về dịch bệnh từ những nguồn chính thống, tuyệt đối không tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên không gian mạng", Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường lưu ý.
Bên cạnh đó, đại diện A05 cũng khuyến cáo khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Người dân cũng cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy.
Mục đích chung của những đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật là phát tán rộng rãi nhất có thể nhằm đạt những ý đồ riêng. Do đó, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn như phát tán tin giả vào các nhóm đông thành viên; sử dụng các trang, kênh, tài khoản có nhiều người theo dõi để phát tán; kêu gọi cộng đồng chia sẻ tin sai lệch như một thông điệp mang tính cảnh báo về sức khỏe, sự an toàn...; sử dụng dịch vụ quảng cáo trả phí trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook để phát tán thông tin.
Những điều cần biết khi sử dụng mạng xã hội.
Lợi dụng đặc tính lan tỏa nhanh của Internet, các đối tượng khai thác triệt để các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để “phủ thông tin” tiêu cực đến đông đảo nhân dân. Các đối tượng đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương, hướng dẫn cách điều trị, chuẩn đoán tại nhà, tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Nhằm thu hút người đọc để tăng hiệu quả phát tán, những thông tin sai lệch thường được biên tập tinh vi, như sử dụng hình ảnh cắt ghép, sử dụng câu từ mang tính giật gân nhằm kích thích tính tò mò của người đọc.
Thời gian tới, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tích cực phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát thông tin trên không gian mạng, tổ chức lực lượng thường trực, giám sát 24/7 để kịp thời phát hiện thông tin sai sự thật về dịch COVID-19. Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã rà soát, phân tích, xử lý hàng triệu tin, bài viết trên không gian mạng; giám sát thường trực hàng nghìn trang mạng, hội nhóm, tài khoản trên các mạng xã hội có hoạt động chống phá mạnh. Từ đó, lực lượng chức năng kịp thời phân loại, sàng lọc nhóm tin, bài có nội dung xấu độc, chống Đảng, Nhà nước; đánh giá theo tính chất, mức độ hoạt động để chủ động triển khai các đối sách, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn.
Xử lý người đăng tin xúc phạm lực lượng phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng Công an triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng theo quy định của pháp luật, cũng như làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội và nội dung số ở trong nước, các mạng xã hội xuyên biên giới để nâng cao hiệu quả ngăn chặn, vô hiệu hóa tin giả. Lực lượng cũng tập trung xác minh, truy tìm, làm rõ những đối tượng phát tán tin giả, nhất là những đối tượng, nhóm đối tượng hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, cố tình tạo ra và phát tán tin giả nhằm mục đích chống phá hoặc trục lợi để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cơ quan Công an chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông, báo chí truyền thông để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến quần chúng nhân dân, cũng như phát đi cách báo về thông tin giả, thông tin sai lệch để quần chúng nhân dân cảnh giác, phòng tránh. Bên cạnh đó là tiếp tục các giải pháp thúc đẩy các nỗ lực cộng đồng, huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân vào việc phát hiện, tố giác tin giả, cảnh báo và ngăn chặn tin giả, cũng như lan truyền các thông tin chính thống, xác thực.
Đặc biệt, để tiếp tục ngăn chặn tình trạng tin giả gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23/7/2021 về việc thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí… đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.
Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Xử phạt các trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an các địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, Zalo…, đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Đồng thời, để góp phần phòng tránh được các thông tin sai sự thật, tin giả, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng quy tắc 5K, đó là:
- Không tin ngay
- Không vội nhấn nút thích
- Không thêm thắt
- Không kích động
- Không vội chia sẻ.
Mỗi người cần tỉnh táo, trở thành "người đọc thông thái", thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên mạng xã hội; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Nói "không" với tin giả, tin sai sự thật cũng là một biện pháp hữu hiệu góp phần cùng các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch:
*Nguồn: baotintuc.vn