The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
Tầng 20, Tòa nhà Software Park 02 Quang Trung, Phường Thạch Thang Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
(+84 236) 6299 289
contact_vbpo@vbpo.com.vn
Public Relations
VBPO với truyền thông
BPO – lĩnh vực đầy hứa hẹn cho người lao động
Minh Giang, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Kinh tế – Tài chính Hà Nội nhưng đã có ba năm kinh nghiệm về chăm sóc khách hàng tại một công ty viễn thông ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cô đang làm nghiệp vụ BPO cho các khách hàng doanh nghiệp của công ty. Trong vài năm gần đây, BPO đang thu hút một lượng lớn người lao động trẻ tuổi.
BPO là ngành dịch vụ công nghệ cao có tính thu hút đối với lao động nữ. Ảnh chụp tại công ty VBPO. Ảnh: Vân Oanh
Giang, cũng như hàng triệu nữ tổng đài viên khác ở Việt Nam, cho rằng nghề BPO đặt ra những yêu cầu không quá cao và khắt khe về trình độ, bằng cấp đối với người lao động, nhưng để làm tốt công việc này, ngoài nghiệp vụ vững vàng các nữ nhân viên như cô cần có kỹ năng truyền tải thông tin.
Theo các chuyên gia công nghệ, BPO (Business Process Outsourcing) hay còn gọi là gia công quy trình doanh nghiệp, là việc sử dụng công nghệ cao kết hợp với nhân lực trình độ thấp để cung cấp những nghiệp vụ đơn giản. Loại hình dịch vụ này gắn bó với bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo đó, nếu một công ty sản xuất không có đủ nguồn lực trong việc chăm sóc khách hàng, hãy thuê các công ty chuyên cung cấp trung tâm dịch vụ khách hàng (call center), các công ty không có chuyên môn về tài chính có thể thuê dịch vụ kế toán, kiểm toán từ bên ngoài…
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vào cuối tháng 10 vừa qua đã công bố bản danh sách 50 doanh nghiệp hàng đầu trong nước, trong đó ghi nhận sự nổi lên của các công ty trong lĩnh vực gia công, bao gồm gia công phần mềm CNTT (Information Technology Outsourcing – ITO), gia công quy trình doanh nghiệp (Business Process Outsourcing – BPO) và gia công quy trình trong lĩnh vực chuyên ngành (Knowledge Process Outsourcing – KPO).
Gương mặt dẫn đầu trong mảng này là Công ty cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software) đã đạt doanh thu hơn 3.900 tỉ đồng, sử dụng 9.300 người lao động. Có thể nhận thấy, BPO đang trở thành một lĩnh vực đầy hấp dẫn của nền kinh tế.
Đi theo xu hướng của thế giới
Trong thập kỷ vừa qua, trên thế giới đã hình thành ngành dịch vụ gia công các quy trình kinh doanh không cốt lõi của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Xu hướng này đã tạo nên làn sóng chuyển dịch việc làm từ các công ty nơi các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu sang các nền kinh tế đang phát triển hay có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn, với mục tiêu tiết kiệm chi phí. Và từ đó, châu Á nổi lên như một trung tâm dịch vụ công nghệ, bắt đầu từ Ấn Độ với dịch vụ ITO và nay đến lượt Philippines đang tiến lên dẫn đầu lĩnh vực BPO. Trong khi tổng doanh thu năm 2015 của 50 công ty hàng đầu về công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam mới chỉ đạt 1,25 tỉ đô la và sử dụng 30.523 người thì riêng lĩnh vực BPO của Philippines trong năm 2013 đã mang về nguồn thu lên đến 15,5 tỉ đô la và sử dụng 900.000 người, và những con số dự kiến cho năm 2016 này sẽ lần lượt là 25 tỉ đô la Mỹ và 1,5 triệu người lao động.
Điều này đang mang lại một sự chuyển biến tích cực tại quốc gia mà thị trường lao động có nhiều điểm tương tự như Việt Nam: lực lượng lao động trẻ và biết tiếng Anh. Cũng chính vì điều này, giới chuyên gia công nghệ nhận định rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành BPO. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để Việt Nam có thể phát triển ngành BPO thành công như Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc đang làm.
Tạo sự chuyển biến nơi thị trường Việt Nam
Ông Trần Mạnh Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VBPO, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ BPO có quy mô hơn 500 nhân viên đặt trụ sở tại Đà Nẵng, cho biết qua các cuộc thống kê gần đây thì thị trường BPO trên thế giới đã đạt đến con số 1.200 tỉ đô la mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang ở bước đầu hình thành ngành công nghiệp BPO.
Theo ông Huy, khi ngành công nghiệp này được hình thành sẽ thúc đẩy xu hướng thuê dịch vụ gia công, từ đó giúp cho các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, chủ yếu thông qua việc cắt giảm chi phí và tối ưu hóa quá trình quản lý. Đồng thời, BPO tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động, từ phổ thông đến chuyên nghiệp, trong một môi trường hiện đại, thân thiện, giảm thiểu tình trạng xả thải ra môi trường sống xung quanh. Đặc biệt khi phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho phép người lao động hòa nhập hơn với thế giới, học hỏi được nhiều điều về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và các quy trình công nghiệp tại các nước phát triển, đặc biệt là nâng cao khả năng ngoại ngữ. Ngành này cũng đem lại nguồn lợi ích kinh tế to lớn, thông qua việc đóng góp hàng tỉ đô la vào tổng nguồn thu nội địa (GDP) mà không hề phụ thuộc vào nhập khẩu.
Yếu tố tích cực mà ngành này tạo ra cho xã hội còn thể hiện ở việc tạo ra hàng trăm ngàn, hay đến hàng triệu việc làm trong vòng 5 đến 10 năm. Một điểm nhấn khác của BPO là khả năng lôi kéo phụ nữ vào dịch vụ công nghệ cao với mức lương lên đến 700 hay 1.000 đô la mỗi tháng. Theo thống kê của VINASA, Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam vào năm ngoái đã đứng đầu trong lĩnh vực ITO/BPO/KPO về mặt doanh thu tính trên đầu người lao động, với mức trung bình là 524 triệu đồng/người/năm.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty cổ phần Phần mềm FPT, doanh nghiệp có nhiều năm cung cấp dịch vụ BPO cho thị trường Nhật Bản, nhận định với thị trường có khoảng 1 triệu người đến độ tuổi cần tìm việc làm (18 tuổi) như Việt Nam cần thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo, nhưng cũng cần một hướng đi mới là đầu tư vào lĩnh vực ITO/BPO/KPO.
Để ngành công nghiệp này phát triển, ông Tiến cho rằng chính sách quốc gia phải chú trọng hàng đầu vào khâu đào tạo nhân sự. Hiện tại Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên ngành này, và các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang phải đầu tư chi phí rất lớn cho hoạt động tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho dịch vụ BPO.
Có cùng quan điểm với ông Huy, ông Tiến cho rằng cần phải có chính sách truyền thông về Việt Nam như là một điểm đến hấp dẫn cho dịch vụ BPO. Bên cạnh đó, cần mời những doanh nghiệp lớn của thế giới về BPO vào Việt Nam đầu tư, nhằm tạo nền tảng để phát triển ngành này.