The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationNgày 26/11/2021, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo doanh nghiệp và sản phẩm Make in Viet Nam với chủ đề: “Doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Hội thảo được truyền trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số điểm cầu trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo
Dự hội thảo tại điểm cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, về phía Bộ TT&TT có đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long; đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ; về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Cùng sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, chuyển đổi số có vai trò quan trọng, cấp bách đối với đất nước và đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã đặt rõ mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Xem thêm bài viết: Phân biệt khái niệm số hóa và chuyển đổi số
Để đạt được những nội dung, mục tiêu nêu trên, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số cần phải thúc giục, giữ vững tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam; từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, cốt lõi là công nghệ số; tạo bứt phá về số lượng và chất lượng sản phẩm số mang thương hiệu Việt Nam, góp phần giúp kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành nhấn mạnh, tại Quảng Ninh, Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, Quảng Ninh sẽ ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH, gồm: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Trước đó, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng; hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỉnh cũng luôn tích cực, đi đầu triển khai các nội dung như: Thanh toán điện tử tích hợp với nền tảng thanh toán quốc gia, triển khai hóa đơn điện tử, liên thông cơ sở dữ liệu, xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh…
Xem thêm bài viết: 12 giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh đạt được những sự bứt phá mãnh mẽ trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số. Đến nay, các dự án ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, môi trường, chiếu sáng, giao thông thông minh... đang phát huy những hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh từng bước trở thành một đô thị thông minh, hiện đại.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp cùng các đại biểu tham dự đã thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và tìm ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cũng tại hội thảo, lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh cũng đã trình bày tham luận về chủ đề: Nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh, nêu bật các điểm cốt lõi của Đề án về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tham luận cũng đã xác định và phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; cách thức phát huy các điểm mạnh vốn có của tỉnh để đón đầu các cơ hội; định hướng đột phá về năng lực trong những mảng mà tỉnh có tiềm năng như du lịch, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, phát triển doanh nghiệp, phát triển công nghiệp số, phát triển thương mại điện tử…
Đọc thêm Chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn để phục hồi kinh tế
Hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số được tổ chức tại Quảng Ninh lần này là dịp để tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các địa phương khác nói chung và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các sản phẩm, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; cùng nhau hợp tác thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển KT-XH địa phương trong giai đoạn mới.
Nguồn: http://makeinvietnam.mic.gov.vn/