The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use real content in the Consulting Process, anytime you reach a review point you’ll end up reviewing and negotiating the content itself and not the design.
ConsultationNgày 11/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi để thích ứng an toàn linh hoạt với Covid trong lĩnh vực Công nghiệp ICT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Với chủ trương chuyển từ trạng thái "không Covid-19" sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi phát triển kinh tế, ổn định thúc đẩy SXKD, chống dịch để sản xuất, sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn, thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ, Bộ TT&TT tiếp tục quán triệt các cơ quan quản lý, tham mưu của Bộ tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với DN trong Ngành nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, sớm triển khai các giải pháp cụ thể, nhằm giúp các đơn vị, DN sớm khôi phục hoạt động SXKD, từng bước lấy lại đà tăng trưởng.
Theo Thứ trưởng, việc này hướng đến mục tiêu vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Chúng ta mới đang ở giai đoạn xuất phát của chuyển đổi số nên còn nhiều cơ hội ở phía trước. Bộ TT&TT sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp để cùng nhau tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số vững mạnh, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng đang chủ trương đầu tư một số nền tảng số sử dụng chung quốc gia, chuẩn bị hạ tầng số, xây dựng kế hoạch phổ cập smartphone cho người dân để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là tuyên truyền để mọi người dân đều hiểu về chuyển đổi số. "Các DN ICT cần thay đổi tư duy, cùng nhau hành động, thay đổi cách làm, kết hợp điểm mạnh khắc phục điểm yếu để thích ứng tình hình mới nhu cầu chuyển đổi số đã cấp bách", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết theo khảo sát của VCCI về tác động COVID-19 tới DN cho thấy phần lớn DN cho là tiêu cực (59,9%), hoàn toàn tiêu cực (34%), không ảnh hưởng gì (4%), phần lớn tiêu cực (2%), hoàn toàn tích cực (0,2%).
Ước tính ảnh hưởng của COVID-19 đến doanh thu của DN năm 2021 so với năm 2020 cụ thể là DN lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội là 93%, dịch vụ ăn uống và lưu trú là 87,5%, tài chính ngân hàng và bảo hiểm là 85%, hoạt động KHCN là 77,3%, nông lâm thủy sản (77%)… DN TT&TT đứng cuối danh sách bị ảnh hưởng là 45,9%.
Xem thêm bài viết Phân biệt khái niệm số hóa và chuyển đổi số
Về nhận thức của DN về CĐS, theo số liệu khảo sát, chỉ có DN quy mô vừa và lớn mới cần CĐS (9,4%), chưa quan tâm, chưa chú trọng đến CĐS là 17,1% DN; DN nhỏ ít tác động tới CĐS (21,9%); đã biết về CĐS nhưng thiếu nguồn lực về tài chính, nhân lực để thực hiện (23,8%); CĐS cần thiết cho tất cả DN (33,4%) và 36,1% DN đã nghe qua CĐS nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Về ứng dụng công nghệ số trong quản trị nội bộ, dịch vụ điện toán đám mây là 41,3% DN quan tâm, hệ thống quản lý công việc và quy trình là 28,4%, Hệ thống quản lý nhân sự là 20,8%...
Toàn cảnh Hội thảo
Về thực trạng tiêu dùng sản phẩm công nghệ số trong DN, theo khảo sát, 45,2% DN chưa biết về hệ thống hoạch định nguồn lực DN (ERP); 36,4% DN chưa biết hệ thống điều hành nhà máy sản xuất; 40,4% DN chưa biết về robot và dây chuyền tự động; có 23% DN chưa biết thiết bị IoT…
Cũng theo khảo sát, rào cản đối với các DN ứng dụng công nghệ số gồm: chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu nền tảng công nghệ số, sự rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN, thiếu nhân lực ứng dụng công nghệ số, thiếu thông tin công nghệ số, khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống, khó khăn trong việc tích hợp các công cụ CNTT nội bộ, các quy định – quy tắc không phù hợp với số hoá, thiếu cam kết hiểu biết của người lao động, thiếu cam kết hiểu biết của các cấp lãnh đạo DN, các quy định - quy tắc phải tuân thủ không rõ ràng, không cần thiết phải ứng dụng công nghệ số.
Đọc thêm Giải quyết mọi vấn đề kế toán chỉ bằng một giải pháp chuyển đổi số
Về năng lực chuyển đổi số của DN trong bối cảnh COVID-19, tỷ lệ sản phẩm/dịch vụ được số hóa trong các dòng sản phẩm/dịch vụ của DN chiếm 32%; tỷ lệ đóng góp của sản phẩm.dịch vụ được số hóa trong doanh thu của DN là 33,1%; tỷ lệ doanh thu từ TMĐT trong toàn bộ kênh bán hàng đạt 33,5%; tỷ lệ các hoạt động CSKH và tìm kiếm khách hàng mới được số hóa trong toàn bộ là 24,8%; mức độ số hóa trong lập kế hoạch, đánh giá và giám sát nhân viên là 24,9%; tỷ lệ số hóa trong giao tiếp và phối hợp giữa các bộ phận trong DN là 19,2%...
Theo đó, bà Thủy cho rằng có 4 việc chính DN cần thực hiện để chuyển đổi số thành công là cần có tầm nhìn, chiến lược quyết định chuyển đổi số cho DN; DN phải lựa chọn chiến lược chuyển đổi số phù hợp; Phải đầu tư về tài chính, con người và cần sự hỗ trợ, thúc đẩy của các cơ quan ban ngành.
Đại diện Hội Tin học TP. HCM (HCA), ông Vũ Anh Tuấn cho biết chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, liên tục và thường xuyên phải cập nhật. HCA trong thời gian qua đã có nhiều cách thức hoạt động để hỗ trợ DN chuyển đổi số. DN phải xác định chuyển đổi số khác với ứng dụng CNTT. DN mua máy tính về ứng dụng hay đưa dữ liệu lên môi trường số cũng chưa phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần sự quyết tâm của lãnh đạo, xác định nhu cầu của từng giai đoạn, hướng đến một bức tranh dài hơn.
Tại TP. HCM, ngoài Hội Tin học, Thành phố cũng đang thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số. Hiện Thành phố có 15 nhóm chuyên gia hỗ trợ chuyển đổi số cho từng lĩnh vực như cơ khí, tự động hoá, tài nguyên, bất động sản, du lịch… Mỗi lĩnh vực sẽ có nhóm chuyên gia, nhóm giải pháp chuyển đổi số. Tùy theo nhu cầu của DN thuộc nhóm nào sẽ có nhóm chuyên gia gặp gỡ, "khám bệnh" cho DN, từ đó tư vấn giải pháp phù hợp nhất cho DN.
Tại Hội thảo, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp đã thảo luận và đưa ra những phương thức giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong thời kì Covid, qua đó thống nhất quản điểm cùng nhau đóng góp, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số vững mạnh trong giai đoạn mới.
Thảo Anh
Nguồn: http://makeinvietnam.mic.gov.vn